Như trong bài về từ khóa this đã đề cập tới ngữ cảnh thực thi với mối tương quan tới từ khóa this và việc thay đổi được ngữ cảnh thực thi một cách trực tiếp bằng cách sử dụng call, applybind, thì bài viết này sẽ làm rõ ràng hơn 3 phương thức này và sự khác nhau cũng như tính hữu dụng của nó.

Mục lục

Về cơ bản callapply gần giống nhau và được giới thiệu từ phiên bản 3 theo chuẩn ECMAScript, còn bind được giới thiệu từ phiên bản 5 thì lại khác hẳn về bản chất nhưng cũng có mối quan hệ mật thiết với 2 phương thức kia. Vậy nên trong bài này ta sẽ đi dần từ call với apply tới bind.

1. Call và Apply

Cú pháp:

  • call: Function.prototype.call(thisArg[, arg1[ , arg2, …]])

  • apply: Function.prototype.apply(thisArg, argArray)

Phương thức call()apply() để gọi thực thi một hàm với một ngữ cảnh chỉ định thông qua tham số thisArg và các tham số đầu vào của hàm tương ứng. Tức là nó sẽ cho phép hàm thực thi được với một ngữ cảnh chỉ định nào đó tuỳ ý. Sự khác nhau giữa chúng là call() sẽ nhận tham số hàm qua từng biến đầu vào riêng biệt còn apply() thì lại nhận các tham số hàm qua một mảng chứa các biến đầu vào. Ta cùng xét ví dụ bên dưới:

test1.js
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
var obj = {
    firstName: "Vô",
    lastName : "Danh",

    mMethod: function(firstName, lastName) {
        var firstName = firstName || this.firstName
        var lastName = lastName || this.lastName
        console.log("Hello " + firstName + " " + lastName)
    }
}

var obj1 = {
    firstName: "Ông",
    lastName : "Ké"
};

obj.mMethod() // Hello Vô Danh

obj.mMethod.call(obj1) // Hello Ông Ké

obj.mMethod.apply(obj1) // Hello Ông Ké

obj.mMethod.call(obj1, "Thị", "Nở") // Hello Thị Nở

obj.mMethod.apply(obj1, ["Chí", "Phèo"]) // Hello Chí Phèo

Với đoạn mã trên ta có thể thấy rằng, sau khi gọi call() hoặc apply() ngữ cảnh thực thi của mMethod đã được đổi sang obj1call() cho phép ta truyền tham số đầu vào riêng biệt còn apply() lại cho phép truyền vào như một mảng.

Từ phiên bản 5, apply() còn có thể được truyền vào một đối tượng tựa mảng (chú thích [1]) thay vì mảng:

test2.js
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
var obj = {
    firstName: "Vô",
    lastName : "Danh",

    mMethod: function(firstName, lastName) {
        var firstName = firstName || this.firstName
        var lastName = lastName || this.lastName
        console.log("Hello " + firstName + " " + lastName)
    }
}

var obj1 = {
    firstName: "Ông",
    lastName : "Ké"
};

obj.mMethod.apply(obj1, ["Chí", "Phèo"]) // Hello Chí Phèo

obj.mMethod.apply(obj1, {'length': 2, '0': "Chí", '1': "Phèo"}) // Hello Chí Phèo

Với việc sử dụng call() hoặc apply() ta có thể làm được rất nhiều việc hay ho như sử dụng phương thức của một ngữ cảnh khác như ở ví dụ trên, hay đẩy ngữ cảnh thực thi cho hàm phản hồi hoặc thay đổi cách truyền tham số hàm rất hiểu quả. Các bạn có thể xem ở ví dụ sau:

  • Truyền ngữ cảnh thực thi cho hàm phản hồi
test3.js
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
function print() {
    console.log(this.mVal)
}

var obj = {
    mVal: "Tôi yêu thành phố Hồ Chí Minh",

    mMethod: function(callback) {
        // truyền đối tượng hiện tại cho hàm phản hồi callback
        callback.call(this)
    }
}

obj.mMethod(print)
  • Thay đổi cách truyền tham số hàm
test4.js
1
2
3
// Math.min([value1[,value2[, ...]]])
// Ta sử dụng mảng cho tham số đầu vào thay vì các giá trị rời rạc
console.log (Math.min.apply(null, [100, -1, 8, 219])) // -1

Cũng không tồi đấy chứ, bằng call, apply ta có thể linh hoạt hơn khi lập trình, đỡ được nhiều công sức biến đổi rắc rối và tận dụng được mã nguồn rất hiệu quả.

2. Bind

Cú pháp:

Function.prototype.bind( thisArg[, arg1[ , arg2, …]])

Phương thức bind() sẽ tạo ra một hàm mới có nội dung thực thi như hàm được gọi nhưng được gắn với một ngữ cảnh thực thi chỉ định qua tham số thisArg. Như vậy khác với call()apply(), bind() sẽ không gọi để thực thi hàm mà sẽ lưu lại ngữ cảnh thực thi cho một hàm nào đó như ví dụ sau:

test5.js
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
var obj = {
    mVal: "Việt Nam",

    mMethod: function() {
        console.log("Hello " + this.mVal)
    }
}

var oMethod = obj.mMethod.bind(obj) // this trong oMethod sẽ bị ép thành giá trị obj

oMethod() // Hello Việt Nam

obj.mVal = "Hà Nội"

oMethod() // Hello Hà Nội

Như vậy khác với call()apply(), khi gọi bind() hàm sẽ không thực thi ngay mà chỉ gắn ngữ cảnh thực thi cho phương thức mMethod. Vì mMethod được gắn với ngữ cảnh đối tượng obj, nên mỗi lần thực thi nó sẽ sử dụng this như là đối tượng obj. Như trong ví dụ phía trên, sau khi ta thay đổi giá trị của biến mVal trong đối tượng obj thì mMethod cũng sẽ in ra giá trị đã bị thay đổi.

Về bản chất thì bind() có thể được thực hiện như sau:

test6.js
1
2
3
4
5
6
Function.prototype.bind = function(context) {
    var _this = this;
    return function() {
        _this.apply(context, arguments);
    };
};

Bằng việc sử dụng apply(), ta có thể thay đổi ngữ cảnh thực thi cho một hàm, còn để lưu lại ngữ cảnh dành cho việc thực thi sau này ta tạo ra một hàm mới như trong đoạn mã trên.

Vì tính chất lưu lại được ngữ cảnh nên bind() rất hay được sử dụng với hàm phản hồi như xử lý sự kiện click vào một nút nào đó chẳng hạn. Ví dụ như khi sử dụng jQuery, ta có thể lấy được giá trị cho this bằng button trong các hàm phản hồi của sự kiện click vào một button vì jQuery đều đã buộc (bind) sẵn button cho hàm phản hồi được truyền vào.

index.html
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
<!DOCTYPE html>
<html>
<head>
<script src="http://ajax.googleapis.com/ajax/libs/jquery/1.11.2/jquery.min.js"></script>
<script>
$(document).ready(function(){
    $("#btn").click(function(){
        console.log(this)
        $(this).text(Number($(this).text()) + 1)
    });
});
</script>
</head>
<body>
    <button id="btn">0</button>
</body>
</html>

Ngoài ra, ta có thể làm được rất nhiều việc khá hay ho như tạo shortcut cho hàm nào đó, hay nhóm lại các tham số theo từng cụm như ví dụ bên dưới:

test7.js
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
var obj = {
    firstName: "Thánh",
    lastName: "Gióng",

    mMethod: function(hello, firstName, lastName) {
        var hello = hello || "Hello"
           ,firstName = firstName || this.firstName
           ,lastName = lastName || this.lastName

        console.log(hello + " " + firstName + " " + lastName);
    }
}

// tạo shortcut
var print = obj.mMethod.bind(obj)
print()

var print = obj.mMethod.bind(obj, "Hello", "Mr", "Bean")
print()

// Nhóm theo hello
print = obj.mMethod.bind(obj, "Xin chào bạn")
print()

// Nhóm theo firstName
print = obj.mMethod.bind(obj, "Kính chào ngài", "Nguyễn")
print("Trãi")
print("Xiển")

3. Vui vẻ tý

Như bên trên đã phân tích, khi ta cần thực thi một function cho một ngữ cảnh khác, ta cần sử dụng call, apply hoặc bind, nhưng có một cách vượt mặt để không cần sử dụng nó. Bạn có thể xem ví dụ sau:

test8.js
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
var obj = {
    firstName: "Vô",
    lastName : "Danh",

    mMethod: function(firstName, lastName) {
        var firstName = firstName || this.firstName
        var lastName = lastName || this.lastName
        console.log("Hello " + firstName + " " + lastName)
    }
}

var obj1 = {
    firstName: "Ông",
    lastName : "Ké"
};

obj.mMethod.apply(obj1) // Hello Ông Ké

// vượt mặt ở đây
var method = Function.call.bind(obj.mMethod)

method(obj1) // Hello Ông Ké

// vượt mặt trong prototype của object
method = Function.call.bind(Array.prototype.slice)

console.log(method([100, 20, 40], 1)) // [20, 40]

Với đoạn mã trên, ta có thế thấy rằng khi gọi method ta không cần phải gọi call, apply hay bind ra nữa mà chỉ cần đẩy trực tiếp đối tượng cần gọi và tham số vào là đủ. Khá hay ho đấy chứ? gọi call, apply, bind mãi cũng chán, overcome một tý thấy nó tiện hơn hẳn.

Ta có thể làm được như vậy là vì tất cả các function trong JavaScript đều kế thừa từ đối tượng Function.prototype, nên hiển nhiên nó có tất cả các function được định nghĩa từ Function.prototype như call, apply hay bind. Như vậy, ta hoàn toàn có thể gọi được các phương thức kế thừa này từ một function bất kì.

Với ví dụ trên, ta coi obj.mMethod là một đối tượng cần gọi tới phương thức call thì ta hoàn toàn có thể tạo một phương thức method trực tiếp từ phương thức call mà đã được gắn thisVal bằng obj.mMethod: Function.call.bind(obj.mMethod) hoặc Function.prototype.call.bind(obj.mMethod). Hay nói cách khác, phương thức method mới được tạo ra có nội dung giống như phương thức call và đối tượng chứa nó (gọi nó - this) là đối tượng obj.mMethod nên method() ~ obj.mMethod.call().

4. Kết luận

Bằng việc sử dụng call, applybind ta có thể thay đổi được ngữ cảnh thực thi (phạm vi chứa hàm) để sử dụng một hàm với công dụng đa năng hơn như thực thi cho một đối tượng, phạm vi khác khác giúp ta có thể tận dụng tối đa mã nguồn được đã tạo ra, hay tạo shortcut cho hàm, linh hoạt hơn tham số đầu vào. Với callapply chúng ta sử dụng để thực thi hàm đó luôn khi gọi, còn với bind ta có thể thực thi hàm đó nhiều lần sau khi đã được buộc (bind) với một ngữ cảnh nhất định.

Chú thích

  • [1] đối tượng tựa mảng: Một đối tượng tựa mảng (array-like object) là một đối tượng có các thuộc tính là số tự nhiên và có một thuộc tính bắt buộc là length có giá trị bằng số các thuộc tính là số tự nhiên. Ví dụ: {length: 3, 0: "Tôi", 1: "là", 2: "người Việt"} hoặc {'length': 3, '0': "Tôi", '1': "là", '2': "người Việt"}.