Điểm cốt lõi để thành công
Mình không rõ là đã có bản dịch tiếng Việt hay chưa nhưng nếu bạn đã từng đọc các cuốn sách khác của ông như Vương đạo cuộc đời - 人生の王道, Cách sống - 生き方 hay Cách làm việc - 働き方 thì sẽ thấy được những điểm tương tự như trong cuốn này. Tuy nhiên cuốn này lại không phải là của ông tự viết mà là của những người đã nghe ông giảng đạo mà viết thành.
Là một nhà kinh doanh tài ba biết kết hợp tư tưởng đạo đức truyền thống của Đông Phương với tinh thần võ sĩ đạo và tinh thần của một Phật Tử nên những nội dung ông viết ra rất sâu sắc, dễ đi vào lòng người Đông Phương. Theo ông thì mỗi người khi sinh ra đều có sứ mệnh hay nói cách khác là có số của mình cả. Thế nhưng cuộc đời ta không phải chỉ phụ thuộc vào số mạng ấy mà còn phụ thuộc vào quy luật nhân quả ứng bảo nữa. Nếu ta cố gắng suy nghĩ tích cực, sống thiện, hành động tích cực thì có thể sẽ thay đổi được cuộc đời của mình. Có nhiều người rất cố gắng trong cuộc sống rất nhiều mà vẫn gặp nhiều bất hạnh cũng có thể coi là số phận của họ như vậy. Có thể nhìn vào đây bạn bỏ cuộc nhưng đừng làm thế vì nếu bạn bỏ cuộc thì có lẽ cuộc đời bạn còn bi đát hơn nhiều.
Để có thể làm được điều vậy thì thứ đầu tiên ta cần là phải có tư tưởng triết học dẫn đường. Dù làm bất cứ việc gì cũng cần có triết học, nó như kim chỉ nam giúp ta đi đúng con đường của mình. Nếu không có triết học ta sẽ như kẻ mù đường có thể lạc vào nơi thành công được thời gian nhưng sẽ không bền vững thậm chí nó lại là điểm giết chết phần còn lại của ta. Xã hội loạn lạc, con người lừa dối nhau, các doanh nhân làm trò bẩn bựa, các chính trị gia tham ô hay bất cứ điều ác trong thế giới này đều là do không có tư tưởng triết học đúng đắn mà ra cả. Nói như vậy, nhưng làm sao để có được tư tưởng triết học đúng đắn? Tiêu chuẩn nào để xây dựng nó?
Muốn có được hệ tư tưởng đúng đắn thì không có cách nào khác là phải đọc sách, phải tìm cho mình được những người thầy, những tấm gương sáng để noi theo và phải chơi với những người bạn tốt, những người bạn dạy cho ta được về sách sống đúng đắn về cách nâng cao tinh thần nâng cao tri thức. Việt Nam ta có câu Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng quả là không sai chút nào!
Thế còn lấy đâu là thước đo để đánh giá tính đúng đắn của tư tưởng và hành động? Cái đó ta nên lấy sự ảnh hưởng tới xã hội để làm công cụ đánh giá. Cụ thể việc ta làm có tốt cho xã hội không, tốt ở mức độ nào. Phải suy nghĩ xem thực sự việc ta làm là vì xã hội hay là chỉ ích kỉ vì bản thân ta mà thôi. Nhưng việc làm vì bản thân ích kỉ mà ảnh hưởng xấu tới xã hội thì tuyệt đối không được làm, nhất định không tham gia làm. Phải giữ cho bằng được tư tưởng triết học đúng đắn.
Để rèn luyện được những thứ đó nghe chừng rất khó khăn và không biết phải làm thế nào. Nhưng hãy nghĩ đơn giản thôi, hãy nhớ lại những bài học mà bạn học được thủa ấu thơ - những bài học được ông bà bố mẹ, được những người xung quanh dạy khi còn nhỏ. Đấy là phải sống thật thà, phải biết cảm ơn, phải biết trân trọng, yêu quý tất cả mọi người. Hay nói theo cách triết học là phải có lòng vị tha, sống vì người khác, sống để cống hiến cho xã hội. Còn nhỏ tuổi thì cố gắng học hành tu luyện đạo đức. Tới tuổi lao động thì gắng làm việc hết sức, rèn luyện tinh thần thép để chống lại được những lẽ xấu ở đời. Về già cần chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo, chuyến đi của tâm hồn. Để chuẩn bị cho chuyến đi này không có cách nào khác là phải mài giũa con tim, phải nâng cao được tư tưởng đạo đức ở đời.