Bài viết này tổng hợp kinh nghiệm của tác giả sau 2 lần xin visa đi Nhật cho gia đình. Trên trang trang chủ của đại sứ quán Nhật tại Việt Nam thông tin khá đầy đủ nhưng một số mục có thể chưa được rõ ràng cho lắm. Nên tôi quyết định viết lại ở đây. Hi vọng nó không chỉ giúp ích được cho tôi mà còn cho tất cả các bạn.

Lưu ý rằng, bài viết này chỉ đề cập tới việc xin visa ngắn hạn cho người thân có quan hệ trong vòng 3 đời thôi nhé. Ngoài ra, tác giả bài viết cũng chỉ xin visa ở Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội. Các loại visa khác về cơ bản giấy tờ không khác nhau nhiều và việc xin ở Lãnh sứ quán Nhật tại Hồ Chí Minh hồ sơ cũng không khác nhau mấy. Cụ thể bạn cần xem trực tiếp tại trang chủ của Đại sứ quán hay Lãnh sứ quán tương ứng.

Trước tiên, để làm được visa ta cần có 1 người mời có quan hệ họ hàng trong vòng 3 đời đang ở Nhật. Ví dụ, bố mẹ đi du lịch và có con đang làm ở Nhật mời sang.

Như vậy, thủ tục chuẩn bị giấy tờ sẽ như sau:

1. Người ở Nhật chuẩn bị giấy tờ ở Nhật

1.1. Giấy mời - 招へい理由書 ( lấy tại đây)

1.2. Giấy bảo lãnh - 身元保証書 ( lấy tại đây )

1.3. Photo trang có ảnh của hộ chiếu - パスポートのコピー

1.4. Photo cả 2 mặt thẻ cư trú - 在留カードのコピー

1.5. Giấy chứng nhận nhân viên công ty - 在職証明書

Xin ở công ty bạn đang làm việc.

1.6. Giấy cư trú - 住民票

Xin ở quận, thành phố (市区町村役所) đang sinh sống.

Lưu ý rằng khi xin thì cần xin đầy đủ các hạng mục của giấy cư trú (家族全員の続柄が記載されているもの、記載事項の省略がないもの). Nếu không rõ thì khi điền giấy xin có thể nhân viên ở đó hướng dẫn cho là ok liền.

1.7. Giấy chứng minh thu nhập - 所得証明書

Có thể sử dụng một trong các giấy sau:

  • Giấy chứng minh thu nhập do địa phương cấp (市区町村役所) - 所得証明書(市区町村役場発行のもの)
    Lưu ý, giấy này phải xin ở nơi mà bạn đóng thuế. Ví dụ nếu năm 2017 bạn đóng thuế tại Kyoto và hiện giờ là năm 2018 bạn đang ở Tokyo thì bạn phải xin giấy này ở Kyoto. Còn nếu bạn đóng ở Tokyo và hiện giờ vẫn ở Tokyo thì có thể xin cùng 1 lúc cùng với giấy cư trú luôn.
  • Giấy nộp thuế do cục thuế cấp - 確定申告書控 の写し
  • Giấy chứng minh số dư ngân hàng do ngân hàng cấp・ 預金残高証明書
    Có thể xin ở ngân hàng mà bạn có tài khoản.

2. Người ở Việt Nam chuẩn bị giấy tờ ở Việt Nam

2.1. Hộ chiếu - 旅券

2.2. Đơn xin visa - 査証申請書 ( lấy tại đây )

2.3. 1 ảnh thẻ visa

Ảnh nền trắng kích cỡ 4.5cm×4.5cm, phía sau ảnh dùng bút bi ghi họ tên đầy đủ bằng tiếng Anh.

2.4. Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân

Có thể sử dụng một hoặc kết hợp các giấy tờ sau để chứng minh:

  • Bản sao giấy khai sinh - 出生証明書
    Có thể sử dụng photo có màu
  • Bản sao giấy đăng kí kết hôn - 婚姻証明書
    Có thể sử dụng photo có màu
  • Bản sao sổ hộ khẩu - 戸籍謄本等
    Có thể sử dụng photo có màu

2.5. Chứng minh tài chính

Chỉ càn chứng minh nếu người đi du lịch chịu chi phí tài chính.

3. Người ở Việt Nam nộp giấy tờ xin visa ở Việt Nam

Chuẩn bị giấy tờ xong rồi thì chỉ việc gói lại mang tới đại sứ quán nộp là xong. Đại sứ quán chỉ tiếp nhận nộp visa vào buổi sáng nên bạn gắng đi sớm sớm chút cho thong thả.

Ngoài ra, nhớ mang chứng minh thư nhân dân để được vào trong đại sứ quán.

4. Nhận visa ở Việt Nam

Sau khoảng 2 tuần thì bạn sẽ nhận được visa và thường visa chỉ có hiệu lực trong vòng 3 tháng. Tức là bạn phải sử dụng nó trong vòng 3 tháng kể từ ngày cấp. Khi visa bạn được cấp xong thì bên đại sứ quán sẽ gọi điện cho người nộp visa, nên trong khoảng thời gian này hết sức lưu tâm tới điện thoại để tránh bị gọi nhỡ.

Một điểm nữa là việc xin visa có thể mất tới 6 tuần nếu đúng thời cao điểm mọi người tới Nhật. Nên nếu sau 2 tuần mà không tin tức gì thì cũng đừng quá sốt ruột. Hồ sơ bạn đẹp thì hoàn toàn có thể tự tin xin được visa.

Yêu cầu bổ sung giấy tờ

Có trường hợp đại sứ quan yêu cầu thêm giấy tờ bổ sung, vì sao thì không ai rõ cả. Ví dụ, có lần mình xin visa họ yêu cầu thêm cả giấy nghỉ phép nữa.

Thời gian trên giấy nghỉ phép đương nhiên là phải khớp với những gì khai trong visa. Khi đại sứ quán yêu cầu bổ sung thì tốt nhất bạn nên nhanh chóng hoàn thiện giấy tờ được yêu cầu để tránh bị kéo dài thời gian nhận visa. Đương nhiên là trong trường hợp phải bổ sung thì visa sẽ bị kéo dài thêm thời gian, thời gian bao lâu thì đại sứ quán sẽ thông báo lại sau.

Thời gian nộp bổ sung vẫn là vào buổi sáng từ 8:00~11:30. Tuy nhiên nộp bổ sung thì thường không phải lấy số và có thể nộp được luôn mà không phải xếp hàng dài như nộp giấy tờ mới.

Khi đi nộp nhớ mang theo giấy hẹn của đại sứ quán, nếu không đem thì cũng cần nhớ số hiệu của giấy hẹn. Nếu không có số hiệu này thì đương nhiên là giấy tờ của bạn khó nhận biết được của hồ sơ nào để bổ sung.

Một điểm nữa là chỉ cần nộp những giấy tờ mà đại sứ quán yêu cầu, không nên nộp thừa gây bối rối cho họ.

Mẹo vặt

Về các giấy tờ cần photo thì nếu có thể bạn nên photo màu nhìn cho dễ và không cần thiết phải xin công chứng. Ở Nhật thì có thể ra các コンビニ như Family Mart để photo rất tiện và mỗi tờ chỉ mất 10円 thôi. Các giấy tờ photo ở Việt Nam thì nên mang theo bản gốc để đối chứng nếu bên đại sứ quán có yêu cầu.

Còn các giấy tờ cần xin ở quận, thành phố (市区町村役所) thì nếu bạn không tới được thì có thể xin qua đường bưu điện hoặc qua người mà bạn uỷ quyền thay thế. Cụ thể thì nên xem trên trang chủ của địa phương tương ứng vì mỗi nơi thủ tục có khác nhau đôi chút.

Chúc các bạn (gồm cả mình nếu có lần nữa) xin visa thuận lợi.