Dịch được cái tiêu đề cuốn này quả không hề dễ dàng tẹo nào. Dịch nôm na ra là làm thế nào để anh em nhân viên làm việc tốt. Nhưng cũng chưa hẳn là như vậy. Cuốn này này tập trung vào việc giải đáp là chính. Với người hỏi là các học viên của lớp học Inamori-Juku và người đáp là bác Inamori.

Power of Habit

Inamori Kazuo là một thiên tài kinh doanh người Nhật, người đưa tư tưởng Phật giáo vào trong kinh doanh và lãnh đạo công ty, lãnh đạo tập thể. Ông lập ra lớp học kinh doanh Inamori-Juku nhằm giúp các doanh nghiệp tìm được cách kinh doanh đúng đắn cho mình.

Theo tôi cái hay của cuốn này là nội dung tư tưởng và đường lối thực hiện các triết lý kinh doanh của bác Inamori được làm sáng tỏ hơn rất nhiều dựa vào thực tiễn kinh doanh của các học viên. Thường các câu hỏi tập trung vào việc làm sao để cải thiện tình hình kinh doanh công ty, nâng cao tinh thần, chất lượng hoạt động của đội ngũ nhân viên. Trong số đó có một số giám đốc đang áp dụng các bài học từ ông Inamori nhưng chưa thấy hiệu quả và đặt câu hỏi ngược lại cho ông. Đây là điểm mà tôi cho là rất đáng quan tâm. Thứ nhất là nếu bê nguyên hoặc không suy ngẫm kín kẽ các triết lý của ông thì thật khó mà áp dụng được. Thứ 2 là qua các tình huống đó ông giải thích rõ hơn về các điều mình từng nói với học viên và còn đưa ra cả phương pháp thực hiện cho từng trường hợp nữa. Từ đó có thể thấy rằng trước khi áp dụng 1 điểm nào đó thì ta cần phải hiểu cho rõ ý của ông cũng như hoàn cảnh thực tiễn. Nếu áp dụng ẩu thì có thể làm phản tác dụng ngay lập tức.

Trong cuốn này, tôi ấn tượng nhất với lời giải thích của ông về tư tưởng Đại ThiệnTiểu Thiện. Hai tư tưởng này có thể áp dụng được trong cả doanh nghiệp lẫn cuộc sống gia đình. Ví dụ, về việc nuôi dạy con thì 2 tư tưởng thể hiện thế này. Nếu bạn cứ bo bo bảo vệ con, không cho chúng được nếm mùi đời thì được coi là tiểu thiện. Bởi bạn nghĩ đứa trẻ được bảo bọc như vậy là hành phúc cho nó. Nhưng vô tình bạn lại đang giết chết nó mà không biết. Việc bạn làm điều thiện lại hoá thành điều ác. Nhưng nếu bạn cho nó được nếm trải mùi đời thì nó sẽ cứng cỏi lên và phát triển mạnh mẽ hơn. Điều đó được coi là đại thiện. Nhìn bề ngoài, người ta sẽ bảo bạn vô tình không thương yêu con mình. Nhưng thực chất đó mới là cách thương yêu đúng đắn. Nhờ cách thương yêu đó mà con bạn được trưởng thành.

Ngoài ra, 1 điểm hay nữa của cuốn sách là 10 điều răn dạy các doanh nhân ở chương cuối. Ở đây ông khuyên người làm giám đốc phải hết mình vì công ty, vì anh em nhân viên. Phải biết lúc cứng, lúc mềm để được lòng người. Phải biết tu tâm dưỡng trí để được sự kính trọng. Phải dám mơ lớn và quyết tâm đạt được ước mơ bằng sự nỗ lực hơn người.

Cũng như các cuốn sách khác của ông, từng lời nói của ông thấm đậm nét nhân văn và tư tưởng của Phật giáo gắn với tinh thần của người Nhật sau chiến chiến tranh. Nhưng cuốn này có lẽ đặc biệt ở chỗ tư tưởng của ông được làm rõ hơn trong hoàn cảnh thực tế khi áp dụng của các học viên của ông.